Người Việt chúng ta có câu “An Cư Lạc Nghiệp.” Thât vậy, sở hữu một căn nhà là một ước mơ và mục đích lớn của đa số chúng ta. Không chỉ là một chỗ để ở, người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ còn xem đó là một biểu tượng của sự thành công và là một khoản đầu tư lớn khi về già.
Quyết định mua nhà là một quyết định lớn trong cuộc đời của mỗi người, và nếu không trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, một quyết định sai có thể dẫn đến thảm họa về tài chính.
Rất nhiều người đổ xô vào mua nhà, thậm chí mượn tiền để mua, vào những năm 2004-2007 để rồi bị phá sản và bị ngân hàng kéo nhà vì giá trị nhà tuột dốc thảm họa trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2012. Nếu bạn mua nhà để ở lâu dài thì không sao, nhưng nếu bạn mua nhà để đầu tư và bán lại, bạn nên cẩn trọng và nghiên cứu thị trường nhà đất thật kĩ.
Chú Ý Khi Mua Nhà Mới
Nếu bạn mua nhà để kiếm lời, tức là mua rồi sửa chữa lại để bán hoặc mua để ở một thời gian rồi bán, bạn nên chú ý những điều sau.
– Không nên mua những căn nhà đầu tiên, mới xây của khu nhà mới vì có rất nhiều sự rủi ro. Công ty xây nhà có thể bị phá sản hoặc không được cấp phép xây tiếp và thế là căn nhà mới mà bạn vừa mua nằm trơ vơ giữa một bãi đất trống. Thêm nữa là những tiện ích như hồ bơi, sân quần vợt, khu chơi xích đu cho trẻ em, cũng không được hoàn thành như đã hứa.
– Tìm hiểu kỹ về công ty xây nhà của căn nhà mà bạn muốn mua. Hỏi về những căn nhà mà công ty này đã từng xây. Sau đó hỏi những người chủ sở hữu của những căn nhà đó hiện giờ xem họ có thích căn nhà mà họ đang ở không. Tôi chắc chắn là những người chủ nhà sẽ sẵn lòng cho bạn biết là căn nhà được xây tốt hay dở.
– Thuê người điểm định nhà riêng, không phải từ công ty xây nhà, để kiểm định nhà khi vừa xây xong. Người này sẽ cho bạn biết chỗ nào bị xây lỗi và dùng nguyên liệu rẻ tiền. Bạn có thể khiếu nại với công ty xây nhà về những lỗi mà người kiểm định nhà chỉ ra và đề nghị họ sửa lại.
– Nếu bạn ký hợp đồng trước khi công ty thi công nhà, bạn cũng nên thuê một người kiểm định để kiểm tra từng bước của quá trình xây nhà: đổ móng, khung sườn nhà, dây điện ngầm, ống nước, vv… để chắc chắn là công ty xây nhà thực hiện đúng tiêu chuẩn xây và không gian dối. Sẽ dễ dàng rất nhiều nếu bạn sửa trong khi đang thi công hơn là sửa sau khi việc xây nhà đã hoàn tất.
– Có nhiều công ty xây nhà không cho bạn thuê người kiểm định riêng, nếu bạn gặp trường hợp này thì hãy kiếm công ty xây nhà khác để mua nhà.
– Bạn có thể tìm một người kiểm định được chứng nhận trong vùng bạn sống qua trang web www.homeinspector.org.
– Bạn nhớ thuê một người luật sư địa ốc coi hợp đồng mua nhà cho bạn, đặc biệt là những căn nhà chưa hoàn tất thi công. Bạn có thể phải trả một số tiền cho người luật sư, nhưng bạn sẽ tránh được rất nhiều rủi ro sau này.
– Người luật sư địa ốc còn là người kiểm tra giấy tờ hoàn tất mua nhà (closing documents). Giấy tờ mua nhà thường rất phức tạp. Bạn sẽ không thể đọc và hiểu hết những gì được ghi trong giấy tờ vì nó được viết bằng ngôn ngữ chuyên môn. Đó là lý do tại sao bạn cần trả tiền cho người luật sư địa ốc để làm những công việc này.
– Trước khi bạn mua nhà, hãy thử lái xe từ căn nhà sắp mua tới chỗ làm vào giờ cao điểm. Khi đó bạn mới biết chính xác khoảng thời gian mà bạn dùng mỗi ngày để đi làm và về nhà là bao nhiêu, và nó có thuân tiện cho bạn đi làm hay không.
– Bạn cũng nên hỏi người môi giới về những dự án trong vùng của căn nhà bạn muốn mua. Ví dụ, khu mua sắm, vui chơi, tòa nhà chính phủ, vv…những dự án này có thể làm tăng giá nhà của bạn nếu được hoàn tất.
– Tránh mua nhà ở gần các trụ điện cao thế. Thực sự không có một nghiên cứu nào cho thấy sự ảnh hưởng về sức khỏe khi sống gần các trụ điện cao thế, nhưng mà thường những căn nhà gần trụ điện cao thế rất khó bán.
– Nếu có thể, hãy đi xem nhà vào lúc thời tiết xấu để xem bạn có phát hiện điều gì bất ổn với căn nhà không. Ví dụ, căn nhà bị đọng nước sau trời mưa, basement bị rỉ nước, đường chạy xe bị trơn trượt sau khi trời tuyến vì quá dốc, vv…
– Nhiều người trả thêm rất nhiều tiền để có thêm bồn ngâm nước, mặt bàn đá hoa cương, phòng uống trà, họa tiết trên tường, vv… mà quên chú ý tới chất lượng của khung sườn, nền móng, hệ thống ống nước, vv… Nhiều công ty xây nhà, để giảm chi phí, đã ăn bớt hoặc dùng những vật liệu rẻ tiền khi thi công. Sau này, khi có vấn đề, bạn sẽ phải bỏ ra hàng ngàn đồng để sửa chữa.
Mua Bảo Hiểm Sở Hữu Nhà (Home Title Insurance)
Nhiều năm trước có một vụ kiện về nhà đất khiến các chủ nhà của nguyên một khu nhà xuýt nữa là bị mất nhà. Cụ thể là có một người phụ nữ cho là đất ở khu đó là một phần thuộc quyền sở hữu của bà ta vì bà ta còn đứng tên. thế là bà ta kiện tất cả chủ nhà của khu đất đó và đòi chia quyền sở hữu cho bà ta. Rốt cuộc là bà ta đồng ý nhận một số tiền và bỏ đơn kiện. Nhưng những người chủ nhà khu đất đó đã phải bỏ ra một vài ngàn để mướn luật sư cho vụ này.
Để tránh gặp trường hợp này, tôi khuyên bạn nên mua bảo hiểm sở hữu nhà (title insurance). Mục đích của bảo hiểm này là nếu có ai tuyên bố căn nhà bạn đang sở hữu là thuộc về họ, công ty bảo hiểm sẽ trả tiền cho người đó và bạn được bảo vệ. Bảo hiểm này thường rất rẻ, và nếu bạn mượn tiền mua nhà, đa số ngân hàng bắt bạn mua bảo hiểm này. Bạn cũng nên tiếp tục mua bảo hiểm này nếu bạn hoàn toàn sở hữu căn nhà.
Một trường hợp nữa về kiện quyền sở hữu nhà mà tôi có lần đọc trên báo. Một người đàn ông mua một căn nhà từ hai chị em gái. Một thời gian sau, người em trai của hai người chị mới kiện là anh ta cũng có cổ phần trong căn nhà vì bố mẹ họ để lại căn nhà cho ba chị em. Hai người chị dấu người em và bán căn nhà để lấy hết tiền. May thay, người mới mua nhà này có mua bảo hiểm sở hữu nhà. Thế là công ty bảo hiểm trả tiền cho người em để anh này không theo đuổi vụ kiện nữa.