Xe

Những Từ Ngữ Chuyên Môn Bạn Cần Phải Biết Khi Đi Mua Xe Hoặc Mướn Xe

Acquisition Fee – Phí Thu Mua

Loại phí này chỉ áp dụng khi bạn thuê xe. Ngân hàng cho đại lý xe mượn tiền đòi hỏi mỗi chiếc xe được thuê phải trả một lệ phí, và đa phần người mướn xe phải trả phí này. Tùy vào giá của chiếc xe bạn mướn, phí thu mua có thể giao động từ $300 đến $1,000.

Annual Percentage Rate/Interest Rate – Tiền Lời Hàng Năm

Thường được viết tắt là APR. Đây là mức phần trăm tiền lời của số tiền bạn mượn để mua xe. Mức tiền lời được tính hàng năm.

Blue Book Value – Giá Trị Định Giá Của Chiếc Xe

Giá trị định giá này thường được dùng khi bạn đổi xe cũ lấy xe mới (trade-in), và mức định giá được lấy từ tiêu chuẩn của Kelly Blue Book (kbb.com). Đây là tiêu chuẩn thông dụng nhất được dùng để định giá một chiếc xe cũ.

Closed-End Lease – Hết Hợp Đồng Mướn Xe

Khi hết hợp đồng mướn xe, thường là 36 tháng, người mướn có thể chọn mua chiếc xe đó ở một mức giá thỏa thuận khi bắt đầu mướn xe, hoặc là trả lại chiếc xe đó cho đại lý xe.

Dealer Incentives – Khuyễn Mãi Đặc Biệt

Khi nhà sản xuất xe có chương trình khuyến mãi giảm giá xe cho đại lý bán xe (thường là vì họ muốn đại lý bán nhanh những chiếc xe đời cũ để có chỗ cho những chiếc mới), đại lý bán xe thường theo đó mà giảm giá xe cho người mua xe.

Dealer Addendum Sticker – Mức Giá Phụ

Nhiều đại lý bán xe bỏ thêm vào các phụ tùng cho xe như lớp sơn bảo vệ màu cho xe, làm cho kính xe màu đen, vành bánh xe làm bằng chrome, bản đồ GPS vv… với mục đích là để tăng giá của chiếc xe nhiều hơn so với giá của nhà sản xuất.

Bạn cần biết là những phụ tùng này thường rất rẻ và dễ làm và cũng không cần thiết. Vì thế, đại lý bán xe thường lời hơn rất nhiều tiền nếu người mua đồng ý bỏ thêm các phụ tùng vào.

Destination Fee – Lệ Phí Vận Chuyển

Đây là lệ phí của việc vận chuyển chiếc xe từ nhà máy sản xuất đến đại lý bán xe. Phí này thường giao động từ $825 đến $1,250. Phí này là một mức giá cố định vì thế đừng thương lượng với người bán để giảm giá, vô ích.

Disposition Fee – Lệ Phí Kết Thúc Hợp Đồng

Phí này chỉ áp dụng khi bạn mướn xe. Đây là lệ phí mà công ty chủ xe lấy khi thời hạn hợp đồng thuê xe hết.

Document Fee – Lệ Phí Giấy Tờ

Thường được gọi tắt là “doc fee”. Đây là loại phí mà đại lý xe lấy của bạn cho việc làm thủ tục giấy tờ mướn xe. Phí này thì thường có thể thương lượng được. Nếu đại lý xe lấy của bạn trên $100 lệ phí cho thủ tục giấy tờ, bạn nên trả giá thấp hơn.

Down Payment – Tiền đặt cọc

Đây là số tiền bạn trả trước để giảm số tiền bạn mượn nợ và giảm số tiền trả góp hàng tháng.

Drive Off – Tổng Số Tiền

Đây là tổng số tiền mà bạn phải trả trước khi lái chiếc xe ra khỏi bãi đậu xe của đại lý bán xe. Đôi khi, nó cũng được gọi là “total due at signing.” Nếu bạn mua chiếc xe mới, phí này bao gồm tiền đặc cọc, lệ phí giấy tờ, và tiền thuế mua xe. Nếu bạn thuê xe, phí này bao gồm tiền đặt cọc, lệ phí thuê xe cho tháng đầu, lệ phí giấy tờ, lệ phí thu mua, và thuế thuê xe.

Early-Termination Fee – Tiền Phạt Chấm Dứt Hợp Đồng Thuê Sớm

Đây là tiền phạt nếu bạn hủy hợp đồng thuê xe sớm hơn thời gian thỏa thuận. Nếu bạn không có mua bảo hiểm đệm (gap insurance) cho xe, và chiếc xe bạn thuê không may bị cướp mất hoặc tai nạn dẫn đến bỏ luôn chiếc xe, tiền phạt này cũng sẽ được áp dụng.

Excess Wear Charge – Lệ Phí Hao Mòn

Sau khi hết thời hạn thuê và bạn trả lại xe, đại lý xe sẽ kiểm tra kỹ tình trạng của chiếc xe. Nếu bạn chạy quá số mile quy định, trầy sơn hoặc móp xe, đại lý bán xe có thể bắt bạn trả tiền bồi thường. Thêm nữa, nếu sau khi mướn xe, bạn thay bộ nhúng, dán kính đen, hoặc thay niềng bánh xe, bạn phải thay những phụ tùng đó lại tình trạng ban đầu. Nếu không, bạn sẽ bị phạt lệ phí hao mòn.

Extended Warranty – Gia Hạn Bảo Hành

Đây là loại dịch vụ được bán bởi đai lý bán xe. Dịch vụ này sẽ gia hạn bảo trì chiếc xe cho bạn sau khi thời gian bảo hành của nhà sản xuất hết hạn (thường là 30,000 miles). Lưu ý là bạn nên cẩn trọng khi chọn gia hạn bảo hành vì nó cũng chỉ là những thứ thông thường như thay nhớt, cân bằng bánh xe, rửa xe. Những thứ mà bạn có thể làm ở bất cứ đâu, nhưng khi bạn gia hạn bảo hành, người có lời nhiều nhất là đại lý bán xe.

Gap Insurance – Bảo Hiểm Đệm

Đây là loại bảo hiểm mà bạn có thể mua thêm bên cạnh bảo hiểm xe thông thường. Bảo hiểm này vận hành như sau.

Ví dụ, bạn mua chiếc xe với giá $20,000, và bạn mượn tiền ngân hàng để trả góp số tiền trong vòng 5 năm. Sau khi mua chiếc xe được 3 ngày, chiếc xe mới không may bị người khác đụng và phải bỏ đi nguyên chiếc xe. Mặc dù bạn chỉ sở hữu chiếc xe có 2 ngày, giá trị của chiếc xe giờ đây chỉ còn khoảng $18,000. Đây là số tiền bảo hiểm xe thông thường (car insurance) sẽ đền cho bạn. Còn bảo hiểm đệm (gap insurance) sẽ đền số tiền còn thiếu $2,000.

Lưu ý, đừng bao giờ mua gap insurance từ đại lý xe. Chỉ nên mua từ công ty bán bảo hiểm xe. Chẳng hạn như All State, State Farm, Progressive, Geico, vv…

Monroney Sticker – Bảng Giá Monroney

Đây là bảng giá được gắn trên tất cả các xe mới ở đại lý bán xe. Bảng giá này được lấy tên từ tên của thượng nghị sĩ Almer Stillwell “Mike” Monroney. là người giúp đưa ra luật làm nên bảng giá này. Bảng giá này bao gồm: giá tiền của xe, nơi sản xuất, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng, và một số thông tin khác về chiếc xe.

MSRP – Giá Tiền Từ Nhà Sản Xuất

Tên đầy đủ là “Manufacturer’s Suggested Retail Price”. Đây là giá tiền mà nhà sản xuất xe đề nghị cho chiếc xe. Tuy nhiên, đại lý bán xe có quyền tăng hay giảm giá. Giá tiền MSRP này thì thường cao hơn số tiền mà đại lý bán xe mua chiếc xe từ nhà sản xuất.

Rebate – Hạ Giá

Thường là chương trình khuyến mại từ đại lý bán xe. Tức là sau khi bạn mua xe, đại lý sẽ gửi tiền lại cho bạn tùy theo thỏa thuận. Giao động từ $500 đến $3,000.

Residual Value – Giá Trị Hao Mòn

Đây là giá trị hao mòn của chiếc xe sau một thời gian nhất định. Đây là mức giá đưa ra bởi ngân hàng hoặc đại lý bán xe khi cho mướn xe, và không thương lượng được.

Subprime Loan – Tiền Vay Đặc Biệt

Đây là loại tiền vay cho những người được xếp vào danh mục “rủi ro cao”. Người vay thường là người có điểm tín dụng thấp. Số tiền được cho vay thường có lãi xuất cao và đòi hỏi một số tiền đặt cọc lớn.

Title – Giấy Chủ Quyền

Hay còn có tên gọi khác là “pink slip”. Đây là giấy chứng minh người đứng tên trong giấy tờ là người chủ của chiếc xe. Khi bạn mượn tiền ngân hàng để mua xe, ngân hàng sẽ giữ giấy chủ quyền này cho đến khi bạn trả xong chiếc xe.

Trade-in – Đổi Xe Cũ Mua Xe mới

Bán lại chiếc xe cũ cho đại lý để trừ số tiền đó vào số tiền trả cho chiếc xe mới. Một điều bạn luôn phải nhớ là đừng bao giờ nói cho đại lý bán xe biết là bạn muốn “trade-in” chiếc xe cũ của bạn trước khi trả giá cho chiếc xe mới. Nếu biết được là bạn muốn bán lại chiếc xe cũ, đại lý sẽ trả rẻ cho chiếc xe cũ hoặc tăng giá cho chiếc xe mới.

Upside Down – Nợ Nhiều Hơn Giá Trị Xe

Cũng được gọi với một cái tên khác là “under water”. Từ này mang nghĩa là khi số tiền bạn mượn nợ để mua xe nhiều hơn giá trị của chiếc xe. Ví dụ, bạn mượn tiền mua chiếc xe $20,000. Sau 3 năm, số tiền bạn còn thiếu ngân hàng là $15,000, trong khi đó giá trị của chiếc xe bây giờ chỉ còn là $14,000. Tức là bạn bị “upside down” $1,000.